Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài Rằm tháng giêng
Bài làm
Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, vị cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một con người vĩ đại và phi thường khi đã dành cả cuộc đời, dành cả thanh xuân vì những điều tuyệt vời cho đất nước, cho dân tộc. Người không chỉ được biết đến là một nhà cách mạng, một nhà cầm quân lỗi lạc và còn được biết đến trên cương vị của môt nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Điều đặc biệt ở nơi Bác đó là những sáng tác văn chương của Bác đều gắn bó với các chặng đường cách mạng của chính Bác và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Rằm tháng giêng là một trong những sáng tác tiêu biểu của Bác thể hiện tinh thần đó:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang xuân Thủy tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”
(Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền)
Bài thơ được sáng tác vào năm 1948 trong cảm hứng của một cuộc họp mật giữa dòng sông trong đêm trăng rằm tháng giêng để họp bàn về những công việc cần chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp trong thời gian tới khi những diễn biến quân sự có nhiều lợi thế nghiêng về quân ta. Cảnh thiên nhiên sông núi hùng vĩ, hữu tình đã khiến Bác tức cảnh sinh tình mà có cảm xúc viết lên những lời thơ như vậy
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Phát biểu cảm nghĩ về bài Rằm tháng giêng
Trăng non đúng vào chính giữa tháng, trăng rằm nên trăng to tròn hơn ngày thường rất nhiều. Khung cảnh mùa xuân tràn ngập những dư vị của sức sống mùa xuân với trời xuân, sông xuân và ánh trăng mùa xuân tràn trề khắp không gian khiến cho tình xuân đong đầy nhiều thi vị đẹp. Trăng từ lâu đã được coi là biểu tượng tri âm tri kỉ của những người thi sĩ, với bác cũng không có gì là ngoại lệ cả. Ánh trăng trong trẻo tỏa hào quang khắp vùng trời khiến cho bầu trời buổi đêm cũng rực rỡ màu ánh sáng. Tuy nhiên, điều đặc biệt, đáng nói ở đây đó là hoàn cảnh mà Bác đang ngắm trăng. Như chúng ta đều biết, Bác Hồ có rất nhiều bài thơ gắn bó với trăng, đồng thời trong những tác phẩm đó lại có rất nhiều bài thơ Bác ngắm trăng trong hoàn cảnh trong tù đầy, lao ngục, chỉ biết hướng nỗi lòng mình theo ánh trăng bên ngoài với những khao khát tự do mãnh liệt. Tự do để còn làm cách mạng, tự do để còn được cống hiến cho đất nước, cho nhân dân. Còn bây giờ tư thế của Bác đã khác, Bác đang được tự do, đang vui phơi phới cùng niềm vui của mùa xuân cùng những hy vọng về những điều tốt đẹp sẽ đến với cách mạng nước ta trong tương lai. Điệp từ “xuân” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần thể hiện sự phấn khởi và những khí thế về ngày xuân cũng như sự hân hoan trong lòng người
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân dầy thuyền .
Trong hoàn cảnh đó, không phải chỉ là chuyện Bác đang ngồi ngắm trăng. Câu chuyện chính đó là Bác đang cùng các đồng chí đồng đội của mình bàn bạc việc nước, việc quân. Việc dân, việc cách mạng vẫn rất khẩn trương, rất gấp rút nhưng Bác vẫn dành cho mình một chút tĩnh tâm hướng lòng, hướng tình đời theo gió trăng, thiên nhiên đất nước để tìm cho mình chút tự do tự tại với cuộc đời. Cảnh sông nước lãng mạng thêm vì hình ảnh trăng tròn chiếu xuống dòng sông. Dòng sông trăng và con thuyền chở trăng chính là những nét tưởng tượng kì diệu của Bác, một con người yêu trăng và yêu thiên nhiên đất nước. Bác là một người rất biết tự cân bằng cuộc sống, tinh thần của Bác là đáng nể vô cùng.
Qua bài thơ thấy được tấm chân tình của Bác với cuộc đời, với thiên nhiên đất trời của quê hương, đất nước. Đồng thời cũng thấy được những nét phong thái ung dung, lạc quan của Bác bất chấp những khó khăn, thử thách đang đón đợi ở phía trước, tinh thần ấy đáng quý vô cùng.
Minh Anh